Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn Lớp 9 THCS - Năm học 2010-2011 - Sở GD&ĐT Thái Nguyên (Kèm hướng dẫn chấm)

 

Câu 1(2,0 điểm)

Đoạn thơ sau, trong bài Tựu trường của Huy Cận, đã bị chép sai. Em hãy phát hiện chỗ sai, nói lý do và sửa lại cho đúng.

                                       “ Giờ nao nức của một thời trẻ dại

Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương!

Những chàng trai mười lăm tuổi rộn rã,

Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc.”

 

Câu 2 (6,0 điểm)

Có người cho rằng “ Nói dối có hại cho bản thân” nhưng cũng có ý kiến “ Có lúc nói dối tạo niềm tin”. Theo em, hai ý kiến này có mâu thuẫn nhau hay không?  Hãy viết một bài văn dài khoảng 400 từ trình bày quan điểm của mình.

 

Câu 3 (12,0 điểm)

Trong bài tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi viết:

“ Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh”.

                          ( Ngữ văn 9, Tập hai,NXB Giáo dục Việt Nam, 2010, tr. 12-13)

doc 4 trang Anh Hoàng 30/05/2023 4660
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn Lớp 9 THCS - Năm học 2010-2011 - Sở GD&ĐT Thái Nguyên (Kèm hướng dẫn chấm)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn Lớp 9 THCS - Năm học 2010-2011 - Sở GD&ĐT Thái Nguyên (Kèm hướng dẫn chấm)

Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn Lớp 9 THCS - Năm học 2010-2011 - Sở GD&ĐT Thái Nguyên (Kèm hướng dẫn chấm)
 UBND TỈNH THÁI NGUYÊN 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
 Năm học 2010 - 2011
 MÔN: NGỮ VĂN LỚP 9 THCS
 ( Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề)
Câu 1(2,0 điểm)
Đoạn thơ sau, trong bài Tựu trường của Huy Cận, đã bị chép sai. Em hãy phát hiện chỗ sai, nói lý do và sửa lại cho đúng.
 “ Giờ nao nức của một thời trẻ dại
Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương!
Những chàng trai mười lăm tuổi rộn rã,
Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc.”
Câu 2 (6,0 điểm)
Có người cho rằng “ Nói dối có hại cho bản thân” nhưng cũng có ý kiến “ Có lúc nói dối tạo niềm tin”. Theo em, hai ý kiến này có mâu thuẫn nhau hay không? Hãy viết một bài văn dài khoảng 400 từ trình bày quan điểm của mình.
Câu 3 (12,0 điểm)
Trong bài tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi viết:
“ Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh”.
 ( Ngữ văn 9, Tập hai,NXB Giáo dục Việt Nam, 2010, tr. 12-13)
Bằng những hiểu biết của mình về truyện ngắn Làng (Kim Lân), em hãy làm sáng tỏ “điều gì mới mẻ”, “lời nhắn nhủ” mà nhà văn muốn đem “góp vào đời sống”.
 ------------Hết-------------
 Họ và tên thí sinh:.SBD:
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HƯỚNG DẪN CHẤM 
 THÁI NGUYÊN THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS
 Năm học 2010 - 2011
 MÔN: NGỮ VĂN
 ( Bản hướng dẫn chấm gồm có 03 trang)
I. Hướng dẫn chung
- Đây chỉ là những gợi ý có tính chất tương đối làm căn cứ để định hướng chấm bài. Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá đúng bài làm của thí sinh. 
- Vì là thi tuyển chọn học sinh giỏi nên giám khảo cần vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm với tinh thần trân trọng bài làm của học sinh. Đặc biệt là những bài viết có cảm xúc, có ý kiến riêng thể hiện sự độc lập, sáng tạo, sắc sảo và chặt chẽ trong tư duy, tinh tế trong cảm thụ và trong cách thể hiện. 
 - Tránh đếm ý cho điểm một cách cứng nhắc. Nếu có việc chi tiết hóa các ý cần phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm và được thống nhất trong toàn Hội đồng chấm thi.
- Điểm toàn bài là tổng điểm của các câu hỏi trong đề thi, chấm điểm lẻ đến 0,25 và không làm tròn.
II. Đáp án và thang điểm 
Câu 1 (2.0 điểm)
- Lỗi ở câu thơ thứ 3, từ sai: rộn rã. (0,5điểm)
- Sai do gieo vần không đúng.(1,0điểm)
- Sửa lại theo nguyên văn: vào trường.(0,5điểm)
Câu 2 (6.0 điểm)
a. Yêu cầu cần đạt
* Yêu cầu kỹ năng
- Biết cách làm bài nghị luận xã hội. 
- Văn phong trong sáng, ngôn từ chọn lọc, lập luận sắc sảo, chặt chẽ.
* Yêu cầu kiến thức
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, tuy nhiên cần đảm bảo được các nội dung sau:
1. Giải thích
- Nói dối là gì? Nói dối là nói không đúng sự thật, không trung thực. 
- Vì sao nói dối lại có hại cho bản thân? Nói dối có thể đưa mọi người vào những rắc rối nghiêm trọng. Làm mất lòng tin của mọi người, mất danh dự của bản thân. Trở thành người bất hạnh vì bị xa lánh
- Vì sao có thể khẳng định có lúc nói dối mang lại niềm tin? Trong cuộc sống, cũng có khi ta phải nói dối. Bởi, nếu ta nói sự thật sẽ khiến người nghe thất vọng, bi quan. Chính những lời nói dối ấy đã tiếp thêm cho họ niềm vui, lòng tin vào cuộc sống.
=> Những câu nói hoàn toàn đúng nhưng không mâu thuẫn mà hỗ trợ, bổ sung ý nghĩa cho nhau mang lại cách nhìn nhận đúng đắn, toàn diện về việc nói dối. 
2. Chứng minh nhận định
- Học sinh đưa ví dụ từ thực tế đời sống để làm sáng tỏ vấn đề.
2. Suy nghĩ của bản thân
- Nói dối là thói xấu. Trong cuộc sống cũng có khi ta phải nói dối nhưng không nên lạm dụng. Ta chỉ nên nói dối khi nó mang lại lợi ích không chỉ cho bản thân mà còn cho mọi người.
- Nói dối xấu hay tốt hoàn toàn do mục đích của người sử dụng. Cần phải suy nghĩ cân nhắc trước khi nói hay hành động. Bất kỳ việc gì nếu hành động không suy nghĩ cũng đều mang lại hậu quả.
b. Biểu điểm
- Điểm 5- 6: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên.
- Điểm 3- 4: Đáp ứng ở mức độ tương đối các yêu cầu đã nêu. Còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 2: Về cơ bản đáp ứng các yêu cầu của bài. Có thể mắc một số lỗi về diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp nhưng vẫn rõ ý của mình.
- Điểm 1: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Bài viết lan man không thoát ý hoặc quá sơ sài.
- Điểm 0: Lạc đề, hoặc không làm bài.
Câu 2(12.0 điểm)
a. Yêu cầu cần đạt
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, tuy nhiên cần đảm bảo được các yêu cầu sau:
* Yêu cầu về kiến thức
1. Giải thích ý kiến của Nguyễn Đình Thi
- Nội dung của một tác phẩm nghệ thuật là hiện thực cuộc sống và những khám phá, phát hiện riêng của người nghệ sĩ.
- Những khám phá, phát hiện ấy chính là điều mới mẻ góp phần quan trọng tạo nên giá trị của một tác phẩm nghệ thuật và mang theo thông điệp của người nghệ sĩ.
2. Làm sáng tỏ vấn đề qua truyện ngắn Làng( Kim Lân)
- Truyện ngắn Làng của Kim Lân đã thể hiện được điều mới mẻ và lời nhắn nhủ của riêng nhà văn trên cơ sở vật liệu mượn ở thực tại.
+ Vật liệu mượn ở thực tại trong tác phẩm Làng là hiện thực cuộc kháng chiến chống Pháp và đời sống tình cảm của nhân dân trong kháng chiến.
+ Điều mới mẻ:
. Nhà văn phát hiện ra vẻ đẹp mới trong tâm hồn người nông dân sau cách mạng tháng Tám: Tình yêu làng quê hòa quyện với tình yêu đất nước và tinh thần kháng chiến. Tình cảm ấy được nhà văn gửi gắm qua hình tượng ông Hai.
. Điều mới mẻ thể hiện trong nghệ thuật xây dựng tình huống tâm lí, miêu tả sinh động diễn biến tâm trạng, ngôn ngữ của nhân vật quần chúng...
+ Lời nhắn nhủ (đây cũng là tư tưởng chủ đề của tác phẩm): Tình yêu làng quê vốn là tình cảm truyền thống của người nông dân Việt Nam. Nhưng chỉ ở người nông dân sau cách mạng, tình yêu làng mới hòa quyện sâu sắc với tình yêu đất nước, niềm tin yêu Lãnh tụ và tinh thần ủng hộ kháng chiến.
=> Chính những điều đó đã làm nên giá trị sâu sắc và sức sống lâu bền cho tác phẩm.
 Lưu ý: 
- Học sinh cần bám sát văn bản để làm bài tránh suy diễn tùy tiện. Ở mỗi ý cần đưa và phân tích dẫn chứng cụ thể.
* Yêu cầu về kỹ năng
- Đúng kiểu bài, bố cục hợp lý.
- Lập luận chặt chẽ, sắc sảo. Hành văn trôi chảy, mạch lạc. 
- Chính tả, dùng từ, ngữ pháp: chuẩn mực.
b. Biểu điểm
- Điểm 11- 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, bài làm có sự sáng tạo.
- Điểm 9- 10: Đáp ứng ở mức độ khá các yêu cầu của bài.Có thể có một vài lỗi nhỏ về diễn đạt, dùng từ, chính tả... 
- Điểm 7- 8: Về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của đề, nhưng bài làm chưa sâu, còn mắc một số lỗi về diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp
- Điểm 5- 6: Hiểu được yêu cầu của đề, nhưng phân tích, chứng minh, bình luận còn lúng túng. Còn mắc một số lỗi về diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp(6đ). Cơ bản hiểu đề và tác phẩm. Còn mắc lỗi diễn đạt, chính tả, ngữ pháp(5đ)
- Điểm 3- 4: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề, diễn đạt lủng củng, tối nghĩa. Bài làm sơ sài. Mắc nhiều lỗi.
- Điểm 1-2: Không hiểu đề, bài làm quá sơ sài, mắc quá nhiều lỗi.
- Điểm 0: Lạc đề, không làm bài.
 ---------------- Hết----------------

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_cap_tinh_mon_ngu_van_lop_9_thcs_na.doc