Đề thi chọn học sinh giỏi tỉnh lớp 9 THCS môn Ngữ văn - Năm học 2010-2011 - Sở GD&ĐT Hải Dương (Kèm hướng dẫn chấm)

 

Câu 1 (2 điểm):

Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, điều gì góp phần củng cố thêm nhận thức của nhân vật họa sĩ về giới hạn của nghệ thuật so với cuộc đời?

Câu 2 (3 điểm):

Suy nghĩ của em về nội dung mẩu chuyện sau:

“ Một người ấn Độ thường dùng hai cái bình lớn để gánh nước từ suối về nhà. Một trong hai cái bình này bị nứt và khi về đến nhà, nước trong bình đã bị vơi đi một nửa. Cái bình nứt luôn buồn bã, khổ sở vì khiếm khuyết của mình. Một ngày nọ, cái bình nứt nói với người chủ của mình:

- Tôi thấy thật xấu hổ khi mình không làm tròn công việc. Vì tôi mà ông phải làm việc cực nhọc hơn.

Người gánh nước nói bằng giọng cảm thông:

- Trên đường về, ngươi có để ý những luống hoa xinh đẹp dọc đường không? Ngươi có thấy hoa chỉ mọc ở phía đường của ngươi mà không phải là phía bên kia không? Ta đã biết khiếm khuyết của ngươi. Vì vậy ta đã gieo những hạt hoa bên đó, và mỗi ngày ngươi đã tưới nước cho chúng. Hai năm qua, ta đã hái những bông hoa này để tặng mọi người và làm đẹp cho căn nhà chúng ta…”

                 (Phỏng theo Hạt giống tâm hồn)

doc 5 trang Anh Hoàng 27/05/2023 4240
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi tỉnh lớp 9 THCS môn Ngữ văn - Năm học 2010-2011 - Sở GD&ĐT Hải Dương (Kèm hướng dẫn chấm)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi chọn học sinh giỏi tỉnh lớp 9 THCS môn Ngữ văn - Năm học 2010-2011 - Sở GD&ĐT Hải Dương (Kèm hướng dẫn chấm)

Đề thi chọn học sinh giỏi tỉnh lớp 9 THCS môn Ngữ văn - Năm học 2010-2011 - Sở GD&ĐT Hải Dương (Kèm hướng dẫn chấm)
sở giáo dục và đào tạo Hải Dương
đề chính thức
kì thi chọn học sinh giỏi tỉnh
lớp 9 thCS năm học 2010-2011
môn thi : nGữ VĂN
Thời gian: 150 phút
Ngày thi: 27/3/2011
Đề thi gồm : 01 trang
Câu 1 (2 điểm):
Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, điều gì góp phần củng cố thêm nhận thức của nhân vật họa sĩ về giới hạn của nghệ thuật so với cuộc đời?
Câu 2 (3 điểm): 
Suy nghĩ của em về nội dung mẩu chuyện sau:
“ Một người ấn Độ thường dùng hai cái bình lớn để gánh nước từ suối về nhà. Một trong hai cái bình này bị nứt và khi về đến nhà, nước trong bình đã bị vơi đi một nửa. Cái bình nứt luôn buồn bã, khổ sở vì khiếm khuyết của mình. Một ngày nọ, cái bình nứt nói với người chủ của mình:
- Tôi thấy thật xấu hổ khi mình không làm tròn công việc. Vì tôi mà ông phải làm việc cực nhọc hơn. 
Người gánh nước nói bằng giọng cảm thông: 
- Trên đường về, ngươi có để ý những luống hoa xinh đẹp dọc đường không? Ngươi có thấy hoa chỉ mọc ở phía đường của ngươi mà không phải là phía bên kia không? Ta đã biết khiếm khuyết của ngươi. Vì vậy ta đã gieo những hạt hoa bên đó, và mỗi ngày ngươi đã tưới nước cho chúng. Hai năm qua, ta đã hái những bông hoa này để tặng mọi người và làm đẹp cho căn nhà chúng ta”
 (Phỏng theo Hạt giống tâm hồn)
Câu 3 (5 điểm): Bằng sự hiểu biết của mình về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh, em hãy làm rõ ý kiến sau:
 Với Sang thu, Hữu Thỉnh đã làm mới cho thơ thu.
Hết.
Họ và tên thí sinh:................Số báo danh
Chữ ký của giám thị 1:.Chữ ký của giám thị 2:..
sở giáo dục và đào tạo Hải Dương
kì thi chọn học sinh giỏi tỉnh
lớp 9 thCS năm học 2010-2011
MÔN : nGữ VĂN
Thời gian: 150 phút
Ngày thi: 27/3/2011
HƯớNG DẫN CHấM
A. yêu cầu chung
- Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của học sinh để đánh giá được một cách khái quát, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt đáp án, nên sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lý; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách riêng nhưng đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
Lưu ý: Điểm bài thi có thể để lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn số.
B. yêu cầu cụ thể
Câu 1: Yêu cầu học sinh trình bày các ý sau:
Trong hành trình đi tìm cảm hứng cho nghệ thuật, vẻ đẹp trong suy nghĩ, việc làm, đức tính tốt đẹp của anh cán bộ khí tượng là một bất ngờ của cuộc sống dành cho người họa sĩ (vẻ đẹp khiến người họa sĩ già bối rối). Tuy nhiên thể hiện được một cách chân thực, đầy đủ vẻ đẹp đó trong một bức chân dung là cả một sự khó khăn đối với người họa sĩ.
Khó khăn hơn nữa là làm sao thể hiện được tình cảm, sự ngưỡng mộ tấm gương anh cán bộ khí tượng, “đặt được tấm lòng” của người họa sĩ vào trong bức chân dung. Đó là điều đã củng cố thêm nhận thức của người họa sĩ về giới hạn của nghệ thuật, về “sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong hành trình vĩ đại là cuộc đời”. 
	(Văn viết đủ ý, rõ ràng, mạch lạc: cho điểm tối đa; mắc lỗi về diễn đạt tuỳ các mức độ khác nhau: trừ điểm câu 1 từ 0.25 đến 0.5 điểm)
Câu 2:
1. Yêu cầu
a. Về kỹ năng:
- Biết cách làm kiểu bài nghị luận xã hội.
- Luận điểm đúng đắn, sáng tỏ.
- Diễn đạt lưu loát, lí lẽ thuyết phục.
- Có thể viết thành đoạn văn hoặc bài văn ngắn.
b. Về kiến thức: 
 Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cơ bản nêu được các ý sau:
+ Mẩu chuyện nhỏ viết về những tấm gương cao đẹp: 
Cái bình nứt- hình ảnh ẩn dụ về con người khiếm khuyết, kém may mắn nhưng vẫn mong muốn làm tốt công việc như một người bình thường. Người gánh nước có tấm lòng bao dung, nhân ái, biết trân trọng, cảm thông.
+ Mẩu chuyện giản dị toát lên ý nghĩa cao đẹp:
- Mỗi người cần phải biết nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Bởi lẽ cuộc sống là hành trình nỗ lực không mệt mỏi của con người vượt lên thử thách và những giới hạn của bản thân để sống và để được cống hiến. Không nỗ lực, con người sẽ gục ngã trước khó khăn. Sự cố gắng để vượt lên những giới hạn của bản thân là rất đáng trân trọng và con người có thể bị khiếm khuyết nhưng không bất lực, tự ti, đầu hàng, vẫn mong muốn trở nên hữu ích hơn cho cuộc sống. 
- Cần biết an ủi, cảm thông, trân trọng và yêu thương, chia sẻ với mọi người, nhất là những người khiếm khuyết, kém may mắn. Đó là nguồn động viên tinh thần vô giá tiếp thêm sức mạnh cho con người vượt qua khó khăn. Dửng dưng trước khó khăn của người khác là biểu hiện của lối sống vô cảm, ích kỷ.
- Cần phải làm gì đó cụ thể, thiết thực để phát huy sức mạnh của mọi người, làm cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp và có ý nghĩa hơn. Con người dù khiếm khuyết nhưng nếu được quan tâm, được tạo điều kiện sẽ trở nên hữu ích hơn cho cuộc sống, nếu được cống hiến hết mình vẫn có thể tạo nên những điều kỳ diệu.
+ Mẩu chuyện cho ta bài học sâu sắc về cách sống, về thái độ ứng xử với mọi người; là lời nhắn nhủ mỗi người rằng cần phải biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương và hãy bằng những việc làm cụ thể, có ý nghĩa giúp cho cuộc sống của tất cả mọi người tốt đẹp hơn. Hãy cư xử bình đẳng và tạo cơ hội cho những người khiếm khuyết, kém may mắn.
Xác định lối sống tích cực, phê phán lối sống mặc cảm, tự ti hoặc tự bằng lòng với mình cũng như sự ích kỷ, thói vô cảm và thái độ miệt thị đối với những người khiếm khuyết, kém may mắn.
b. Tiêu chuẩn cho điểm
- Điểm 3: Đạt được các yêu cầu nêu trên, lí lẽ thuyết phục, văn viết mạch lạc, không mắc những lỗi diễn đạt thông thường. 
- Điểm 2: Đạt được quá nửa yêu cầu về nội dung. Còn một số lỗi về diễn đạt.
- Điểm 1: Đạt được một nửa yêu cầu về nội dung, mắc nhiều lỗi về hình thức.
- Điểm 0: Lạc đề, sai cả nội dung và phương pháp.
Câu 3:
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Có kĩ năng nghị luận về một vấn đề văn học, có lí lẽ thuyết phục và thể hiện được sự cảm thụ thơ tinh tế.
- Bố cục hợp lí, rõ ràng, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Văn viết trong sáng, có cảm xúc.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Bài viết có thể trình bày theo những cách khác nhau, tập trung làm rõ cái mới cũng là nét riêng độc đáo trong Sang thu của Hữu Thỉnh về hình thức thể hiện và nội dung cảm xúc. Cụ thể nêu các ý cơ bản sau:
- Cảm hứng về mùa thu từng tạo nên những kiệt tác nghệ thuật, những áng thơ bất hủ. Cũng như thơ viết về mùa thu nói chung Sang thu là sự hoài cảm, luyến tiếc, bâng khuâng về những gì đã đi qua và ngỡ ngàng, xao xuyến trước những gì đang tới. 
Sang thu mang nét cổ điển và đượm hồn dân tộc nhưng vẫn chứa đựng nét riêng độc đáo góp phần làm mới cho thơ thu.
- Dáng vẻ, thần thái rất riêng của Sang thu: Thơ viết về mùa thu sử dụng nhiều ước lệ, dáng vẻ thần thái mùa thu thường có nét tiêu sơ. Nét tiêu sơ ấy ta không thấy ở Sang thu. Cảnh trong Sang thu thu đẹp, vẻ đẹp dịu dàng, trong sáng, tự nhiên không xơ xác, tiêu điều.
- Nét riêng trong thi liệu, hình ảnh: Thi liệu, hình ảnh ở Sang thu vẫn có những ước lệ (sương thu, gió thu, sông thu, chim, mây...) nhưng đã được sử dụng một cách sáng tạo (sương chùng chình, sông dềnh dàng, mây vắt nửa mình sang thu). Nhờ cách kết hợp từ ngữ đặc biệt, các hình ảnh có sức gợi cảm hơn, có hồn hơn. Hữu Thỉnh đã làm mới những thi liệu về mùa thu cũng như làm mới cho thơ thu.
(chú ý hình ảnh đám mây...vắt nửa mình sang thu: lấy cái hữu hình để diễn tả cái vô hình, một nét thu duyên dáng, tài hoa)
- Có hình ảnh ta bắt gặp lần đầu trong thơ viết về mùa thu: Hương ổi, chút hương nồng nàn, quen thuộc của quê hương Việt Nam làm cho Sang thu vừa đượm hồn dân tộc vừa có vẻ rất riêng, rất mới lạ.
- Nét riêng của ngôn ngữ: Sang thu sử dụng nhiều từ ngữ giàu cảm giác để diễn tả sự biến đổi tinh tế của tạo vật và hồn người sang thu: Những từ được lúc, bắt đầu, vẫn-đã, bớt...diễn tả trạng thái mới bắt đầu, thể hiện sự quan sát, trực cảm tinh tế thiên nhiên trong khoảnh khác giao mùa. Các từ bỗng, hình như gợi được cái bâng khuâng, xao xuyến của hồn người sang thu. Nó cho thấy Hữu Thỉnh không chỉ quan sát mà còn cảm nhận bằng tất cả các giác quan, lắng nghe bước đi của mùa thu bằng cả tâm hồn. 
- Mạch vận động của hình tượng và cảm xúc trong bài thơ cũng có nét rất riêng:
Lúc đầu là tín hiệu báo mùa, đến cảnh trời đất chuyển mình và đi vào những biến đổi âm thầm trong tạo vật. Không gian vận động từ nhỏ hẹp lên cao rộng hơn, từ không gian nơi vườn ngõ đến không gian mây trời, sông nước mênh mang, và cuối cùng là không gian tâm tưởng, từ ngoại cảnh vào chiều sâu nội tâm. 
Tình thu: từ ngỡ ngàng đến say sưa, có chút bâng khuâng xao xuyến và sau cùng là trầm ngâm, suy ngẫm. (Hình ảnh ở khổ thơ cuối chứa đựng hàm ý: con người từng trải, bình thản đón nhận những vang động, biến đổi của cuộc đời,)
3. Tiêu chuẩn cho điểm:
- Điểm 5: Đạt được các yêu cầu nêu trên. Văn viết mạch lạc, có cảm xúc, thể hiện sự sáng tạo, không mắc lỗi diễn đạt thông thường.
- Điểm 3: Đạt được quá nửa yêu cầu về kiến thức. Còn một số lỗi về diễn đạt.
- Điểm 1: Chưa đạt yêu cầu nêu trên. Nội dung sơ sài, diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi về câu, từ, chính tả.
- Điểm 0: Lạc đề, sai cả nội dung và phương pháp.

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_tinh_lop_9_thcs_nam_hoc_2010_2011.doc