Đề thi tuyển sinh lớp 10 Trung học Phổ thông môn Ngữ văn tại Hà Nội

Phần I: (7 điểm)

            Nhà thơ Phạm Tiến Duật có câu thơ thật độc đáo:
                        “Không có kính không phải vì xe không có kính
                          Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”
            Và trên chiếc xe ấy, người chiến sĩ lái xe đã:
                        “Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
                          Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
                          Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
                          Như sa như ùa vào buồng lái.”
                                    (Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2011)

1. Những câu thơ vừa dẫn trích trong tác phẩm nào? Cho biết năm sáng tác của tác phẩm đó.

2. Chỉ ra từ phủ định trong câu thơ độc đáo trên. Việc dùng liên tiếp từ phủ định ấy nhằm khẳng định điều gì và góp phần tạo nên giọng điệu nào cho bài thơ?

3. Dựa vào khổ thơ trên, hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu lập luận diễn dịch làm rõ cảm giác của người chiến sĩ lái xe trên chiếc xe không kính, trong đó có sử dụng câu phủ định và phép thế (gạch dưới câu phủ định và những từ ngữ dùng làm phép thế).

4. Chép lại hai câu thơ liên tiếp sử dụng từ phủ định trong tác phẩm (được xác định ở câu hỏi 1).

doc 4 trang Anh Hoàng 27/05/2023 3100
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh lớp 10 Trung học Phổ thông môn Ngữ văn tại Hà Nội", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi tuyển sinh lớp 10 Trung học Phổ thông môn Ngữ văn tại Hà Nội

Đề thi tuyển sinh lớp 10 Trung học Phổ thông môn Ngữ văn tại Hà Nội
KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 21 tháng 06 năm 2012 tại Hà Nội
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)
ĐỀ CHÍNH THỨC
Phần I: (7 điểm)
 	Nhà thơ Phạm Tiến Duật có câu thơ thật độc đáo:
  	“Không có kính không phải vì xe không có kính
  	 Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”
 	Và trên chiếc xe ấy, người chiến sĩ lái xe đã:
  	“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
  	 Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
  	 Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
  	 Như sa như ùa vào buồng lái.”
     	(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2011)
1. Những câu thơ vừa dẫn trích trong tác phẩm nào? Cho biết năm sáng tác của tác phẩm đó.
2. Chỉ ra từ phủ định trong câu thơ độc đáo trên. Việc dùng liên tiếp từ phủ định ấy nhằm khẳng định điều gì và góp phần tạo nên giọng điệu nào cho bài thơ?
3. Dựa vào khổ thơ trên, hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu lập luận diễn dịch làm rõ cảm giác của người chiến sĩ lái xe trên chiếc xe không kính, trong đó có sử dụng câu phủ định và phép thế (gạch dưới câu phủ định và những từ ngữ dùng làm phép thế).
4. Chép lại hai câu thơ liên tiếp sử dụng từ phủ định trong tác phẩm (được xác định ở câu hỏi 1).
Phần II (3 điểm)
1. Lặng lẽ Sa Pa là một truyện ngắn thành công của nhà văn Nguyễn Thành Long. Em hãy giới thiệu ngắn gọn (khoảng nửa trang giấy thi) về tác phẩm này.
2. Trong nhan đề Lặng lẽ Sa Pa, tác giả đã sắp xếp các từ khác với trật tự thông thường như thế nào? Cách sắp xếp ấy có dụng ý gì trong việc thể hiện chủ đề truyện ngắn?
3. Ghi lại một dẫn chứng ở một bài thơ đã học (nêu rõ tên tác phẩm) để thấy rằng cách sắp xếp đó được nhiều tác giả sử dụng trong sáng tác của mình.
GỢI Ý LỜI GIẢI MÔN NGỮ VĂN
(Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2012-2013)
Phần I (7 điểm):
 Nhà thơ Phạm Tiến Duật có câu thơ thật độc đáo:
 “ Không có kính không phải vì xe không có kính
 Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”
Và trên chiếc xe ấy, người chiến sĩ lái xe đã:
 “ Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
 Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
 Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
 Như sa như ùa vào buồng lái.:
 (Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2011)
1. Những câu thơ vừa dẫn trích trong tác phẩm nào? Cho biết năm sáng tác của tác phẩm đó.
Gợi ý:
Những câu thơ trên trích trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được sáng tác năm 1969.
2. Chỉ ra từ phủ định trong câu thơ độc dáo trên. Việc dùng liên tiếp từ phủ định ấy nhằm khẳng định điều gì và góp phần tạo nên giọng điệu nào cho bài thơ?
Gợi ý:
+ Từ phủ định là từ: “không”
+ Việc dùng liên tiếp từ phủ định trên nhằm khẳng định:
Nguyên nhân vì sao chiếc xe không có kính. Đó là do “Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”.
Phản ánh rõ hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra trên tuyến đường Trường Sơn.
+ Cách sử dụng liên tiếp từ phủ định cũng góp phần tạo nên giọng điệu ngang tàng, thản nhiên, câu thơ rất gần với câu văn xuôi.
3. Dựa vào khổ thơ trên, hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch làm rõ cảm giác của người chiến sĩ lái xe trên chiếc xe không kính, trong đó có sử dụng câu phủ định và phép thế (gạch dưới câu phủ định và những từ ngữ dùng làm phép thế)
Gợi ý:
- Học sinh viết đoạn văn đảm bảo những yêu cầu cơ bản sau:
*Về cấu trúc đoạn nghị luận: Viết theo cách lập luận diễn dịch (có câu mở đoạn, thân đoạn phát triển các ý nhỏ làm rõ ý khái quát, không có câu kết); Độ dài đoạn văn khoảng 12 câu, chữ đầu đoạn viết thụt vào một ô
*Về ngữ pháp: Gạch chân và chú thích rõ ràng: Câu phủ định và phép thế mà học sinh đã sử dụng thích hợp trong đoạn văn.
*Về nội dung: Học sinh làm rõ ý chính của đoạn là: Cảm giác của người chiến sĩ lái xe trên chiếc xe không kính qua khổ thơ mà đề bài yêu cầu, với một số gợi ý sau:
+ Câu mở đoạn: 
- Giới thiệu 4 câu thơ trích từ Tác phẩm“ Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. 
- Ý chính: Bạn đọc cảm nhận được cảm giác mạnh mẽ, đột ngột cụ thể của người lái xe ngồi trong chiếc xe không kính.
+Thân đoạn:
- Qua khung cửa xe không có kính chắn gió, người lái xe tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài:
+ Học sinh phân tích điệp ngữ “ nhìn thấy” kết hợp với các hình ảnh được liệt kê: gió, con đường, sao trời, cánh chim, làm rõ những khó khăn mà người lính lái xe đang phải đối mặt khi làm nhiệm vụ, nhưng cũng mang lại cho họ cảm giác thích thú: “xoa mắt đắng”, “chạy thẳng vào tim”, “Như sa như ùa vào buồng lái” => phân tích thêm những động từ là nghệ thuật nhân hóa: “xoa”, “chạy thẳng”, “sa”, “ùa’ để thấy cảm giác rất cụ thể của người lính.
- Qua các điệp ngữ “thấy” và “như”, khổ thơ cũng diễn tả một cách chính xác và gợi cảm tốc độ của những chiếc xe đang lao nhanh ra chiến trường. Người đọc cảm nhận được đoạn đường của xe chạy: khi thì là con đường chạy thẳng: “con đường chạy thẳng vào tim”, khi thì xe đang chạy ở lưng chừng núi, ở độ cao tiếp xúc với “sao trời”, với “cánh chim”. Người đọc cảm nhận được cung đường gập ghềnh, khúc khuỷu đầy khó khăn mà người lính lái xe phải vượt qua.
- Qua cảm giác mạnh, đột ngột của người lính lái xe khi ngồi trong buồng lái, người đọc thấy được thái độ bất chấp khó khăn, nguy hiểm và tâm hồn lạc quan, trẻ trung, yêu đời của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn qua hình ảnh:
 “ Sao trời và đột ngột cánh chim”
 Như sa như ùa vào buồng lái”
Lưu ý:
-Học sinh có thể có những cách cảm nhận riêng, sắp xếp mạch ý theo lập luận của mình nhưng phải làm rõ ý chính của đề bài.
- Các câu văn phải có liên kết ý, phân tích ý thơ từ, câu chữ, nghệ thuật, diễn đạt ý rõ và có cảm xúc của người viết.
4. Chép lại hai câu thơ liên tiếp sử dụng từ phủ định trong tác phẩm ( được xác định ở câu hỏi 1)
Gợi ý:
 Hai câu thơ liên tiếp sử dụng từ phủ định trong tác phẩm là:
 “Không có kính, rồi xe không có đèn
 Không có mui xe, thùng xe có xước”
Phần II (3 điểm)
1. Lặng lẽ Sa Pa là một truyện ngắn thành công của nhà văn Nguyễn Thành Long. Em hãy giới thiệu ngắn gọn (khoảng nửa trang giấy thi) về tác phẩm này.
Gợi ý:
+ “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi Lào Cai hè năm 1970 của nhà văn Nguyễn Thành Long, thời kỳ miền Bắc xây dựng XHCN và đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
+ Nội dung câu chuyện xoay quanh cuộc gặp gỡ tình cờ của người họa sĩ đi tìm ý tưởng sáng tác trước khi nghỉ hưu và cô kỹ sư nông nghiệp trẻ vừa ra trường lên Lai Châu nhận công tác với anh thanh niên 27 tuổi (nhân vât chính của truyện) làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu, sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét đã được 4 năm trong vòng 30 phút qua lời giới thiệu của bác lái xe.
+Tác giả Nguyễn Thành Long đã giới thiệu anh thanh niên là người rất yêu nghề, sống có lý tưởng, biết sống vì mọi người. Anh đã vượt lên khó khăn của cuộc sống cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người để báo về “ốp” đều đặn những con số bằng máy bộ đàm vào 4 giờ, 11 giờ, 7 giờ tối và 1 giờ sáng một cách chính xác, đều đặn. Anh thanh niên còn chủ động tổ chức, sắp xếp cuộc sống một mình ở trạm khí tượng thật ngăn nắp, như trồng hoa, nuôi gà, tự học và tự đọc sách ngoài giờ làm việc. Anh khiêm tốn từ chối ông họa sĩ đừng vẽ chân dung mình mà giới thiệu hai người khác đáng được vẽ hơn, đó là ông kỹ sư nghiên cứu giống su hào cho to củ ở vườn rau Sa Pa và người nghiên cứu vẽ bản đồ sét cho đất nước.
+ Qua câu chuyện anh thanh niên kể về công việc và qua cuộc sống hàng ngày của anh, ông họa sĩ đã tìm được ý tưởng sáng tác về con người mới, còn cô gái trẻ hàm ơn anh vì cô đã khẳng định được việc mình từ bỏ mối tình nhạt nhẽo ở thành phố để lên Lai Châu nhận công tác là đúng.
+ Truyện “Lặng lẽ Sa Pa” giàu chất trữ tình, có dáng dấp như một bài thơ. Thông qua khung cảnh thiên nhiên ở Sa Pa thơ mộng, qua các nhân vật trong câu chuyện không có tên riêng cụ thể mà mang tên chung khái quát cho lứa tuổi, nghề nghiệp, vẻ đẹp của nhân vật chính hiện dần qua cảm nhận của các nhân vật phụ, nhà văn Nguyễn Thành Long đã phản ánh tới bạn đọc hiện thực của đất nước Việt Nam những năm 1970: ca ngợi những con người lao động lặng lẽ, âm thầm, cống hiến hết mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
2. Trong nhan đề Lặng lẽ Sa Pa, tác giả đã sắp xếp các từ khác với trật tự thông thường như thế nào? Cách sắp xếp ấy có dụng ý gì trong việc thể hiện chủ đề truyện ngắn?
Gợi ý:
Tác giả đã đảo vị ngữ “lặng lẽ” lên trước chủ ngữ “Sa Pa”. Cách sắp xếp này có dụng ý thể hiện chủ đề của truyện là:
“Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kỹ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi”, ở đó có những con người lao động lặng lẽ, âm thầm, cống hiến hết mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
3. Ghi lại một dẫn chứng ở một bài thơ đã học (Nêu rõ tên tác phẩm) để thấy rằng cách sắp xếp đó được nhiều tác giả sử dụng trong sáng tác của mình
Gợi ý:
 Trong một số bài thơ mà các tác giả có sự sắp xếp các từ khác với trật tự thông thường tương tự như “Lặng lẽ Sa Pa” là:
+ Câu “ Đột ngột vầng trăng tròn” trong Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.
+ Câu “Vẫn còn bao nhiêu nắng” trong bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh.
+ Câu “Dập dìu tài tử giai nhân” trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân” (Truyện Kiều của Nguyễn Du) 
.
Lưu ý: Học sinh chỉ chọn một trong những dẫn chứng như trên để làm bài.

File đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_lop_10_trung_hoc_pho_thong_mon_ngu_van_tai.doc